Báo cáo toàn cầu mới của UNDP tuyên bố rằng Việt Nam tiếp tục đạt được tiến bộ về phát triển con người
HÀ NỘI, - Theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) năm 2005 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), được công bố ngày 12 tháng 9 năm 2005 tại Việt Nam, Chỉ số Phát triển con người của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2003.
Do duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nên vị trí xếp hạng về Chỉ số Phát triển con người của Việt Nam đã được nâng lên: từ vị trí 112 năm 2004 lên vị trí 108 trong tổng số 177 nước được xếp hạng năm nay. Chỉ số Phát triển con người (HDI) là chỉ số tổng hợp của các chỉ tiêu về kết quả tăng trưởng kinh tế, giáo dục và y tế nhằm đo tiến bộ trong lĩnh vực phát triển con người về dài hạn.
Báo cáo năm nay, với tiêu đề “Hợp tác quốc tế vào thời điểm quyết định: Viện trợ, thương mại và an ninh trong một thế giới bất bình đẳng”, kêu gọi cần có những sự thay đổi nhanh chóng và to lớn về chính sách viện trợ, thương mại và an ninh toàn cầu nhằm hoàn thành những cam kết mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ cách đây 5 năm.
Báo cáo Phát triển con người năm 2005 hoan nghênh Việt Nam về thành tích giảm một nửa tỷ lệ nghèo so với năm 1990, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh cũng như tăng cường sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo.
Bên cạnh thành công đó, Báo cáo cũng nêu một số trường hợp bất bình đẳng nghiêm trọng ở Việt Nam: "Mỗi lần đi bệnh viện tiêu tốn 40% thu nhập hàng tháng của người dân trong số 20% nghèo nhất ở Việt Nam. Mức chi của hộ gia đình cho việc khám chữa bệnh cao như vậy đã đẩy 3 triệu người dân lâm vào cảnh nghèo túng".
Báo cáo Phát triển con người năm 2005 nêu ra những thách thức về thương mại quốc tế đối với các nước như Việt Nam và đề cập tới việc "đánh thuế bấp hợp lý" đối với các nước nghèo nhất trên thế giới. Thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ áp dụng cho những nước như Việt Nam và Băng-la-đét cao hơn khoảng 10 lần so với hầu hết các nước trong Liên minh Châu Âu.
Tình trạng giá cả thị trường bị bóp méo do chính sách trợ cấp trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có tác động trực tiếp đến các nhà sản xuất nhỏ. Trong năm 2002 - 2003, giá thành sản xuất lúa gạo ở Hoa Kỳ là 415 USD/tấn và xuất khẩu với giá 275 USD/tấn, buộc các đối thủ xuất khẩu gạo như Thái Lan và Việt Nam phải điều chỉnh theo sự cạnh tranh bất bình đẳng này.
Báo cáo kêu gọi các nước tài trợ tăng thêm viện trợ, cũng như kêu gọi các nước tài trợ và các nước đang phát triển giảm chi phí giao dịch nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.
HDI là thước đo tổng hợp của ba khía cạnh về phát triển con người, đó là: tuổi thọ; tri thức (được đo bằng tỷ lệ biết chữ ở người lớn cũng như tỷ lệ nhập học tổng hợp ở các cấp tiểu học, trung học và đại học); và mức sống (được đo bằng GDP bình quân đầu người và chi phí sinh hoạt thể hiện qua chỉ số sức mua ngang bằng - PPP).
Việc xếp hạng về HDI toàn cầu giúp cho các nước biết được kết quả phát triển con người của mình trong một giai đoạn dài, còn những thay đổi qua từng năm không có nhiều giá trị về mặt phân tích vì các số liệu căn bản được xem xét, chỉnh lý theo từng giai đoạn.
Báo cáo cho biết 18 nước, với tổng cộng số dân là 460 triệu người, đã bị thụt lùi về HDI kể từ năm 1990 khi Báo cáo Phát triển con người đầu tiên được xuất bản. Tuy nhiên, xét về tổng thể đã đạt được một số tiến bộ: nói chung, người dân ở các nước đang phát triển đã có cuộc sống khoẻ mạnh hơn, được học hành tốt hơn và ít bị nghèo túng hơn.
Đề nghị xem toàn văn Báo cáo Phát triển con người năm 2005, bộ tài liệu giới thiệu về Báo cáo dành cho báo chí và bản tóm lược tình hình của từng quốc gia trên mạng Internet theo địa chỉ: http://hdr.undp.org
UNDP
14/10/2005
« Quay lại trang trước
|