Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 2006 - Theo kết quả của nghiên cứu đầu tiên về xã hội dân sự ở Việt Nam, hiện có rất nhiều nhóm và tổ chức xã hội đang hoạt động rất tích cực, song quan hệ hợp tác giữa các nhóm và tổ chức này còn yếu và tác động của họ còn hạn chế.
Nghiên cứu này được tiến hành từ tháng 4 năm 2005 đến tháng 3 năm nay trong khuôn khổ của Dự án về Chỉ số xã hội dân sự quốc tế được thực hiện ở hơn 50 nước trên thế giới. Phương pháp nghiên cứu do một tổ chức phi chính phủ quốc tế có tên gọi CIVICUS (Liên minh Thế giới về sự Tham gia của người dân) đề ra đã được áp dụng như nhau ở các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Đông Timo, Ấn Độ, Inđônêxia và Mông Cổ.
Theo quan niệm của CIVICUS, xã hội dân sự là “lĩnh vực vượt ra ngoài phạm vi gia đình, nhà nước và thị trường, mà ở đó người dân thành lập các hiệp hội để thúc đẩy những lợi ích chung”. Phạm vi của định nghĩa này rất rộng và bao quát, gồm cả các cá nhân, các tổ chức tự nguyện và phi lợi nhuận, các tổ chức nhân đạo, các phong trào xã hội và chính trị và các hình thức tham gia khác của xã hội vượt ra ngoài hay trùng lắp với nhà nước, giới doanh nghiệp và gia đình.
Theo kết quả nghiên cứu, Việt Nam hiện có một số lượng lớn các tổ chức xã hội rất khác nhau về nguồn gốc, cơ cấu tổ chức, cơ sở pháp lý, mục đích hoạt động và cơ chế tài chính, và đang mang lại lợi ích cho đất nước. Các tổ chức xã hội tham gia rất tích cực vào các hoạt động từ thiện, tình nguyện, và được người dân rất tin tưởng.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy quan hệ hợp tác và sự kết nối giữa các tổ chức này vẫn còn yếu. Thêm vào đó môi trường xã hội - chính trị cho sự phát triển của xã hội dân sự vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, làm hạn chế tác động nhiều mặt của họ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng thấy rằng các tổ chức xã hội vẫn còn yếu trong việc tuyên truyền về tính minh bạch và dân chủ, vốn là hai giá trị rất quan trọng để tăng cường sức mạnh và nâng cao uy tín của các tổ chức này trong xã hội.
Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ với:
Bà Phan Thu Hương, ĐT: (84-4) 942-1495 (máy lẻ: 232), Email: phan.thu.huong@undp.org hoặc
Michael Coleman, ĐT: (84-4) 942-1495 (máy lẻ: 161), Email: michael.coleman@undp.org
UNDP
15/6/2006
« Quay lại trang trước
|