Trong quá trình hội nhập kinh tế, hàng hoá và dịch vụ xuất nhập khẩu có khả năng cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng, phương thức bán hàng sẽ tác động đến tâm lý và tập quán tiêu dùng và công nghệ sản xuất, tiếp thị. Việt Nam được xếp thứ 3 về độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ, 40 triệu dân dưới 30 tuổi tạo thị trường hấp dẫn. Khái niệm “quyền thị trường” đòi hỏi việc cân đối cán cân thương mại về hiện vật hàng hoá, dịch vụ xuất nhập khẩu “tôi phải mua của anh, anh phải mua của tôi”. Việc xuất hiện một số siêu thị của các tập đoàn bán lẻ có thương hiệu quốc tế đã ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà bán lẻ Việt Nam khiến không ít cấp chính quyền lúng túng trước đề nghị mở siêu thị của phía nước ngoài và trong nước. Nếu chúng ta bán được nhiều hàng hoá vào siêu thị thì chính những siêu thị đó tạo đầu ra cho sản xuất trong nước. Nhiều hợp tác xã rau sạch ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tăng sản lượng rau vào các thành phố một cách tự tin. Các cửa hàng cửa hiệu của các hãng sẽ tranh giành từng vị trí thị trấn, thị tứ, cụm dân cư đông đúc, các hợp tác xã không thể bỏ qua địa lợi thị trường xuất nhập khẩu. Hội nhập sẽ lộ ra những thị trường ngách, thị trường nhỏ lẻ, riêng biệt nhu cầu.
Hình ảnh Saigoncoop với chuỗi Co.op Mark đã chứng minh năng lực dịch vụ bán lẻ ở Việt Nam nói chung và Hợp tác xã nói riêng. Thực tế hiện nay nhiều hợp tác xã thuộc các ngành đã và đang chuyển sang làm dịch vụ sản xuất cho xã viên và cộng đồng. Quy mô và chất lượng dịch vụ tỷ lệ thuận với lợi ích của nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Có đến 70% số hợp tác xã phân bố ở khu vực nông thôn, trong khi đó chỉ có khoảng 12% số doanh nghiệp có trụ sở ở đó, khu vực nông thôn chiếm đến hơn 70% dân số cả nước. Sức mua của khu vực nông thôn sẽ tăng dần, thực sự là khu vực tiêu dùng tiềm năng. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận số hợp tác xã ở đây là đầu mối liên kết nhiều công đoạn của quá trình tái sản xuất: Cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mở rộng tín dụng ứng trước cho sản xuất và tiêu dùng để tạo chỗ đứng lâu dài. Các hợp tác xã cần chủ động nhìn nhận, phân tích, tiếp cận các đối tác thương mại và đầu tư theo hướng vừa liên kết, vừa cạnh tranh. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, hợp tác xã là đối tác liên doanh trong các công ty có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Ví dụ một hợp tác xã số vùng ven đô có thể lập dự án khu đô thị mới, hạ tầng cụm công nghiệp nhỏ và vừa, nhà ở và văn phòng cho thuê, dịch vụ môi trường, dịch vụ y tế, nhà trẻ, chợ, siêu thị, trung tâm dạy nghề,… phục vụ các khu công nghiệp và người lao động trước các quyết định thu hồi đất giao cho các doanh nghiệp khác cũng làm các dịch vụ đó.
Dự báo một số sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, lâm sản đặc thù của Việt Nam gia tăng thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, cần chuyển những dự báo đó thành các dự án sản xuất có hợp đồng ổn định với giá có lợi cho người sản xuất. Các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cần có thương hiệu và kiên nhẫn tiếp thị và nâng cao chất lượng sản phẩm, nếu không sẽ chỉ là người sản xuất sản phẩm “thô” và giá trị gia tăng chuyển vào thương hiệu khác. WTO tác động mạnh đến phân công lao động một cách chi tiết, do vậy các hợp tác xã và xã viên phát huy sở trường, sở đoản khi tham gia phân công lao động quốc tế. Sản xuất và dịch vụ tổng hợp có xu hướng giảm, thay vào đó là tính chuyên nghiệp, chuyên ngành, làm sâu sắc và tinh chế các sản phẩm, chi tiết bán thành phẩm và công đoạn dịch vụ với số lượng lớn. Chúng ta đã từng phải từ chối những hợp đồng xuất khẩu có lời vì không đủ số lượng đáp ứng chất lượng hàng hoá, từ chối những hợp đồng xuất khẩu lao động đòi hỏi kỹ năng cao. Tính chuyên nghiệp và trách nhiệm đòi hỏi các hợp tác xã, hộ xã viên phải tìm thị trường, tham gia các hợp đồng phụ công nghiệp, tham gia phân phối hàng hoá, chủ động tự đào tạo lao động và “xin việc” chứ không chờ việc. Phương thức kinh doanh khép kín, kinh doanh tổng hợp đối với những hợp tác xã có quy mô nhỏ sẽ không còn thích hợp trong môi trường cạnh tranh.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tranh thủ các chính sách khuyến khích hỗ trợ hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã, Nghị định 88/2005/NĐ-CP… cụ thể hoá chính sách bằng các chương trình dự án mà Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) khuyến cáo các thành viên. Nhiều quốc gia đã thực hiện hỗ trợ hợp tác xã, ví dụ như chương trình cải tạo đất, xây dựng làng văn hoá, làng nghề ở Hàn Quốc có sự hỗ trợ của doanh nghiệp và Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ Hoàng gia ở Thái Lan…; các Liên đoàn tín dụng quốc gia, liên đoàn về cung tiêu, bảo hiểm đã ưu đãi cho thành viên mà không vi phạm các cam kết WTO./.
(Trích bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)
VOV
17/7/2006
« Quay lại trang trước
|